NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ BỆNH PHONG

Đăng lúc: Thứ năm - 13/11/2014 18:49 - Người đăng bài viết: Nguyễn Duy Thuận
1/ Bệnh phong không phải là bệnh di truyền. - Bệnh phong là một bệnh nhiễm khuẩn mãn tính, trước đây được gọi là bệnh hủi (miền Bắc), bệnh cùi (miền Nam), bệnh phong (miền Trung). - Là một bệnh nhiễm trùng do bị lây từ người mắc bệnh phong truyền sang. Tiếp xúc với bệnh nhân phong nặng (chưa điều trị), thời gian dài mới có thể mắc bệnh. 2/ Bệnh phong do vi trùng gây ra nhưng rất khó lây. - Do vi trùng phong sinh sản chậm (khoảng 2 tuần), dễ chết. - Người bị bệnh phong, nếu điều trị khoảng 1 tháng thì không còn khả năng lây lan được. - Ngoài ra còn tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. 3/ Những dấu hiệu nghĩ tới bệnh phong. Bệnh phong gây ra thương tổn chủ yếu ở da và thần kinh: -Thương tổn da: Xuất hiện trên cơ thể có vùng da thay đổi màu sắc (màu hồng, đỏ, bạc màu), mất cảm giác (cấu véo hoặc kim châm không biết đau, lửa kề không biết nóng, không ngứa). -Thương tổn thần kinh: Sưng to, đau nhức các dây thần kinh. Nặng hơn sẽ bị yếu cơ, teo cơ, liệt cơ dẫn đến có rút các ngón, liệt mặt, lở loét bàn tay, bàn chân gây tàn tật dị hình suốt đời cho bệnh nhân. 4/Bệnh nhân phong nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm. - Bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, không bị tàn tật. - Không lây bệnh cho người thân trong gia đình và những người xung quanh. 5/ Bệnh nhân phong được điều trị miễn phí, tại nhà. - Bệnh nhân phong được cấp thuốc uống đầy đủ, miễn phí. - Hàng tháng bệnh nhân đến nhận thuốc tại trạm y tế địa phương, có nhân viên y tế hướng dẫn, đem thuốc về nhà uống, - Không cách ly, không tập trung ở trại phong.
BỆNH PHONG
I. Định nghĩa:
- Bệnh phong là một bệnh nhiễm khuẩn mãn tính, một chứng viêm không gây mủ, gây ra bởi Mycobacterium leprae (M. leprae). Trực khuẩn này tác động chủ yếu vào da, các dây thần kinh ngoại vi. Bản chất của bệnh phong là bệnh của thần kinh ngoại vi, vì toàn bộ hậu quả của bệnh phong gây ra què, cụt nghiêm trọng cũng từ hư hại của thần kinh ngoại.
- Bệnh phong là một bệnh truyền nhiễm nhưng tính lây bệnh thấp hơn bất cứ bệnh truyền nhiễm nào khác. Trong quá trình diễn biến của bệnh, phần lớn bệnh nhân vẫn có sức khỏe bình thường, tuổi thọ không giảm. Bệnh không gây chết nhiều người như lao, sốt rét nhưng nếu không phát hiện từ giai đoạn sớm để điều trị kịp thời, không xử lý đúng thì người bệnh có thể bị dị hình, tàn tật và để lại những người mất sức lao động mà xã hội phải nuôi suốt đời.
- Từ thời thượng cổ bệnh phong đã gợi nên hình ảnh khiếp sợ, gây nhiều thành kiến chưa từng có ở một bệnh nào khác.
II. Lịch sử:
- Bệnh phong tiến triển chậm chạp đến nổi mô hình dịch tễ của bệnh phải trải qua nhiều thập kỷ và tài liệu về dịch bệnh phong nghèo nàn hơn các bệnh cấp tính như dịch hạch hay bệnh cháy rận.
- Người Hindu cổ xưa đã viết bệnh phong có từ 1400 trước công nguyên (TCN). Người Ấn Độ có ghi chép sớm nhất mô tả bệnh này từ 600 năm TCN. Trung Quốc cũng mô tả muộn hơn một chút.
- Bệnh phong lan thành dịch một cách chậm chạp tới Hy Lạp và đế quốc La Mã. Quân đội Hy Lạp và La Mã đưa bệnh phong vào Châu Âu và lan thành dịch lớn vào thế kỉ 12- 13 rồi giảm dần. Có thời kỳ ở Châu Âu có đến 19 ngàn trại phong.
- Bệnh phong đã được dập tắt hoàn toàn ở Tây và Bắc Âu trong thế kỉ qua (trừ Iceland) và còn tản phát ở mức độ thấp ở Đông Nam Châu Âu trong các cộng đồng nhỏ có mức sống thấp, nghèo nàn, ăn ở đông đúc Louisiana, USA.
- Bệnh phong được đưa vào Châu Mỹ bởi những người khai hoang Tây Ban Nha, Pháp và những người nô lệ của họ.
- Lịch sử  bệnh phong đưa vào Châu Phi như thế nào còn chưa  rõ?
- Ngày nay bệnh phong còn  nhiều ở Châu Á, nhất là Ấn Độ, Miến Điện, Pakistan, Châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ và nhiều dịch nhỏ ở các cộng đồng ở Thái Bình Dương.

  1. Tình hình bệnh phong ở Việt Nam:
- Không có tài liệu nào nói rõ về lịch sử bệnh phong ở VN. Người ta biết cách đây hơn 100 năm người Pháp và các nhà từ thiện bắt đầu xây cất một số trại phong để thu nhận và chữa trị, chăm sóc các bệnh nhân phong sống lang thang không nơi nương tựa như: trại Vân Môn – Thái Bình (1898), trại Quả Cảm – Bắc Ninh (1913), trại Cù Lao Riêng cho đồng bằng Sông Cửu Long, trại Quy Hòa - cho các tỉnh miền Trung (1927), trại Bến Sắn - cho vùng quanh Sài Gòn … Các trại Đakia – Eana cho vùng Tây Nguyên.
- Sau 1954 chính phủ Việt Nam xây dựng một số khu điều trị phong có quy mô lớn như Quỳnh Lập (Nghệ An), Phú Bình (Thái Nguyên), Sông Mã (Sơn La) và nhiều khu điều trị phong nhỏ ở một số tỉnh.
- Hiện nay theo chủ trương điều trị phong ngoại trú, không điều trị tập trung tại khu điều trị, một số bệnh nhân chữa bệnh tại các khu điều trị đã khỏi bệnh trở về quê quán nên các khu điều trị phong thu hẹp dần.
- Những điểm đặc biệt:
+ Chu kì sinh sản của trực khuẩn phong cực kì chậm chạp. Phần lớn vi khuẩn gây bệnh cho người sinh sôi bằng số phút. Còn Mycobacterium leprae thời gian là 2 tuần. Hậu quả của việc đó là sự phát triển bệnh rất chậm, thời gian ủ bệnh dài, sự tiến triển lâm sàng chậm, âm thầm và một mô hình dịch tễ không rõ ràng.
+ Trực khuẩn phong chưa bao giờ phát triển trong một môi trường nhân tạo, việc nghiên cứu vi khuẩn học của bệnh phong chậm lại rất nhiều so với các bệnh nhiễm khuẩn khác. Cho đến năm 1960 mới đạt được sự phát triển giới hạn trên chân chuột.
+ Đây là trực khuẩn duy nhất có thiên hướng với mô thần kinh. Các nhân tố quyết định việc đó còn chưa được biết rõ.
+ Trước kia coi bệnh phong là đặc hiệu với túc chủ, sinh sôi một cách tự nhiên ở người. Người ta chưa biết ổ nhiễm bệnh nào ngoài người, không chứng minh được vật chủ trung gian. Nhưng gần đây có một số báo cáo thấy rằng armadillo hoang dại, vượn và khỉ mangabey có mang bệnh phong do M.leprae.
+ Bệnh phong có nét duy nhất về các phương diện tâm lý xã hội, không có bệnh nào khác lại có sự ghê sợ kinh hãi nhiều đến thế. Tình hình đó hình như liên quan đến dị hình, tàn tật do bệnh phong gây nên, nhưng ít khi người phong bị chết, nên những người bị tàn tật tiếp tục  ngày càng xấu đi và ai cũng nhìn thấy.
- Quá khứ, hiện tại và tương lai:
          + Từ nhiều thế kỷ trước bệnh phong đã gây nhiều thảm họa cho người. Bệnh phong bị đứng tách riêng ra khỏi các bệnh tật khác và ở nhiều nơi trên thế giới người bệnh bị đối xử tàn tệ, thậm chí bị giết hại. Vì những lý do đó và nhiều lý do khác mặc dù có sự tiến bộ to lớn về y học nhưng nhiều quốc gia vẫn làm ngơ với bệnh phong. Một số ít người cống hiến đời mình cho bệnh phong đã phải chịu cảnh thiếu thốn về nhân lực, tiền bạc và phương tiện nghiên cứu. Nguyên nhân sinh bệnh chưa biết rõ, thuốc đặc hiệu vẫn chưa có, công tác chống phong chỉ còn biện pháp cách ly nghiêm ngặt là giải pháp duy nhất.
+ Ngày nay với sự đánh giá một cách khách quan. Nghiên cứu bệnh phong bắt đầu vào năm 1873 với sự phát hiện trực khuẩn phong do A.Hansen ở Na Uy đã thúc đẩy mạnh mẽ trong thế kỷ qua và đã làm được nhiều việc để tăng sự quan tâm và làm mất dần dấu vết sỉ nhục và sự sợ hãi vô căn cứ ít nhất là trong các nhóm y học. Bệnh phong đã trở thành một bệnh đại chúng về y học và cuối cùng thu hút sự chú ý xứng đáng với tầm quan trọng của nó.
+ Việc phát hiện về giá trị của thuốc sulphon trong điều trị bệnh phong vào năm 1941, có ý nghĩa là lần đầu tiên hàng ngàn bệnh nhân được chữa khỏi. Việc đó hoàn toàn thay đổi mô hình chăm sóc. Cách ly nghiêm ngặt người bệnh phong trong các trại phong có thể không cần thiết. Việc khống chế trở thành một khả năng hiện thực và bắt đầu trở nên rõ ràng trong đầu óc bệnh nhân. Tàn tật, dị hình không còn là một di chứng không thể tránh được của bệnh .
+ Bắt nguồn từ quan điểm của hội nghị phong quốc tế lần thứ 8 năm 1963 ở Brazil, những phát kiến khoa học mới, những trào lưu nhân đạo trên thế giới người ta đã phế bỏ mọi cách ly không cần thiết. Bệnh phong đang đươc bình thường hóa và coi như những bệnh truyền nhiễm khác về mọi mặt. Không cần thiết coi bệnh phong là một bệnh đặc biệt và tiến tới sát nhập bệnh phong vào mạng lưới chung. Người bệnh được chăm sóc chu đáo và đối xử tận tình như mọi bệnh nhân khác. Dần dần các dấu vết sỉ  nhục và người bệnh gia đình họ phải gánh chịu, các thành kiến lạc hậu từ lâu đời cũng sẽ được xóa bỏ. Quyền lợi của bệnh nhân phong đang trở thanh một phần trong toàn bộ các dịch vụ của nhân dân. Ở nhiều nước trên thế phong.
- Nhiều viện nghiên cứu người ta đang gấp rút nghiên cứu về bệnh và có nhiều cố gắng để nuôi cấy M. leprae invitro. Một vacxin đặc hiệu, những thuốc mới có tác dụng nhanh hơn có lẽ chẳng còn bao lâu nữa sẽ xuất hiện. Việc thanh toán bệnh phong trên toàn thế giới không còn là một giấc mơ mà là điều có thể thực hiện được.
LỊCH SỬ VÀ VIỆC PHÁT HIỆN
VI KHUẨN GÂY RA BỆNH PHONG
Gerhard Henrik Armauer Hansen sinh tại Bergen – Na Uy ngày 29/7/1841. Hansen tốt nghiệp y khoa năm 1866, khi 25 tuổi, được cấp bằng danh dự tại đại học Chistiana vì là thầy thuốc trẻ đã có một số kiến thức uyên bác. Ông làm phụ tá ở Oslo và sau đó làm thầy thuốc cho một Công ty Ngư nghiệp của đảo Lofoten- Bắc Cực.
Hansen không hứng thú với công việc y tế thường ngày của ngành ngư nghiệp, xa các trung tâm khoa học. Ông quay về Bergen năm 1868 làm việc tại bệnh viện Lungegarden. Ông nhận nhiệm vụ tại nhà nuôi dưỡng số 1 cho bệnh nhân phong, được sự chỉ đạo của Danielssen, một nhà khoa học về bệnh phong nổi tiếng thế giới thời bấy giờ. Từ đây Hansen đi vào nghiên cứu về bản chất của bệnh phong. Ông nghiên cứu các thương tổn da, thần kinh và phủ tạng một cách toàn diện. Sau một năm công tác tại bệnh viện Jorgen, ông được thưởng huy chương vàng của Hoàng gia về bài viết đầu tiên của ông về bệnh phong.
Ngay thời kì này Hansen đã tin là bệnh phong phải có một tác nhân nhiễm khuẩn gây bệnh và ông không tán thành với thuyết “sự gây bệnh gia truyền” (tức di truyền) mà Danielssen đã chủ trương từ bấy lâu.
Vào khoảng 1871, Hansen bắt đầu để ý đến các “gậy nhỏ xíu” trong các tiêu bản không nhuộm. Ông có thể nhìn thấy chúng rõ hơn nếu xử lý bằng acid osmid pha loãng. Ông thấy các “gậy” trong tất cả các thương tổn cục thâm nhiễm trên các bệnh nhân của ông. Hansen nói “phải tìm trong mỗi củ phong lấy ra từ một người sống và tôi đã xét nghiệm một số củ lớn đó, những vật thể nhỏ giống các gậy, rất giống vi khuẩn nằm bên trong tế bào, không phải trong tất cả tế bào mà trong nhiều tế bào”.
Ngày 23/2/1873 Hansen tuyên bố lần đầu tiên quan sát vi thể trực khuẩn phong trong các mô lấy từ bệnh nhân phong. Năm 1874 Hansen tuyên bố nghiên cứu này ra ngoài nước Na Uy. Ngày nay không có ai nghi ngờ hoặc phủ nhận nhận định của Hansen là “các gậy nhỏ” trong các mô của bệnh nhân phong u là tác nhân gây ra bệnh phong và như vậy lần đầu tiên có bằng chứng rõ rệt làm hậu thuẫn cho thuyết của ông là “bệnh phong có căn nguyên truyền nhiễm hoặc nhiễm khuẩn”. Tuy nhiên vào 1873, không có bệnh nào được xác định là căn nguyên nhiễm khuẩn và do đó các nhận xét của Hansen bị phản đối kịch liệt bởi những người có tiếng tăm thời đó. Trong tiểu sử của có nói: “Danielssen người thầy của Hanse đã bực mình với một bác sỹ trẻ tuổi dám cả gan tranh luận với điều mà các đầu óc bậc thầy về y học đã chấp nhận mà không rụt rè, đây là điều vô lễ”.
Nhiều vấn đề và những cấm đoán mà những người công tác trong lĩnh vực phong thực nghiệm phải đối đầu trong các thể kỷ qua cũng giống Hansen phải đối đầu một khi đã nhận ra trực khuẩn trong các mô của bệnh nhân phong. Danielssen đã đối xử một cách miệt thị các chủ trương của Hansen. Ông còn đưa ra những bằng chứng để hậu thuẫn cho thuyết gia truyền (di truyền) bằng cách thử tiêm truyền nhiều lần vi khuẩn phong ở bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân phong cho bản thân và một số người cộng tác nhưng tất cả đều thất bại.
          Hansen dự đại hội phong quốc tế lần thứ nhất tại Berlin (1897) và lần hai tại Bergen (1909) tại đó thuyết của ông về bệnh phong là một bệnh nhiễm khuẩn hoàn toàn được ủng hộ.
          Sự khám phá của Hansen về một vi sinh vật đặc hiệu trong các thương tổn của bệnh nhân phong đã đưa bệnh phong vào lĩnh vực thực nghiệm.  Theo Roger và Muir “ việc đó soi sáng tràn ngập vào bệnh căn của bệnh phong và làm đảo lộn ta về dịch tể học của bệnh bằng cách thay thế thuyết gia truyền lúc đó đang làm thống soái và làm tê liệt về nguồn gốc bệnh phong bằng thuyết nhiễm khuẩn”.
Cũng từ khám phá của Hansen, 3 năm sau Koch thành công trong việc nuôi cấy trực khuẩn than (anthrax). Năm 1882 Korh tìm ra trực khuẩn lao, 1883 trực khuẩn thương hàn, 1884 bạch hầu và phẩy khuẩn tả, 1886 trực khuẩn uốn ván và với nhịp điệu tăng nhanh với việc tìm ra các vi khuẩn khác.
          Khám phá của Hansen thật là rực rỡ và mở ra nhiều hy vọng cho tương lai không những về điều trị bệnh phong mà còn đa số các bệnh truyền nhiễm khác. Cái đã có và sắp có, những biện pháp vệ sinh, các thuốc sát trùng, việc tiêm chủng, thuốc kháng sinh, việc phòng bệnh bằng hóa học…
          Khám phá của Hansen mới chỉ bừng lên như một luồn sáng chói, nhưng lại chưa đem lại một kết quả tức thời. Người ta biết về trực khuẩn đó, biết rất nhiều nhưng thật đáng tiếc nhưng người ta chưa hiểu đầy đủ về nó. Vô số cuộc thử nuôi cấy trong môi trường nhân tạo và tiêm truyền cho động vật đã làm từ một thế kỷ nay, nhưng đều thất bại hoặc với kết quả hạn chế. “Hansen không may mắn trong việc khám phá ra một vi sinh vật mà đến nay (1942) vẫn không ai nuôi cấy được”.
          Mặc dù có sự khởi đầu tốt đẹp, những việc nghiên cứu về M.lepraen bị tụt hậu nhiều so với các vi khuẩn gây bệnh khác, chỉ vì M.leprae không thể nuôi cấy nhân tạo. Nhiều nhà khoa học đã phải than rằng M.leprae là “một vi sinh vật bí hiểm”.
          Năm 1873 Hansen kết hôn với con gái của người đã từng miệt thị ông là người hỗn láo, vô lễ về khoa học (Danielssen). Năm 1873, Hansen giữ chức trưởng khoa bệnh phong và giữ chức này trong 37 năm. Năm 1894, Danielssen mất, ông kế tục giữ chức giám đốc Viện bảo tàng tự nhiên học ở Bergen.
Hansen tạ thế ngày 12/02/1912, tang lễ cử hàng trong viện bảo tàng này và tro hỏa táng tồn trữ tại đó trong một bình đồng hun đặc biệt. Đến lúc chết Hansen vẫn thất vọng là không chứng minh bằng thực nghiệm sự tồn tại của M.lepraen. Trong 38 năm từ khi tìm ra trực khuẩn phong đến lúc chết Hansen vẫn chưa toại nguyện. Một số phận mà những ai trong thời gian đó nhận sự thách thức đó đều phải chia sẽ.
Trước khi chết vài ngày, A.Hansen vẫn còn đam mê tìm hiểu thêm về vi khuẩn phong (M.leprae) trên kính hiển vi của mình. Để đền đáp công ơn to lớn của ông, ngày nay chúng ta lấy tên ông để đặt tên cho trực khuẩn gây ra bệnh phong: Trực khuẩn Hansen.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Ảnh tập thể

Ảnh tập thể

DEMO